Fanpage

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Một số kinh nghiệm làm bài tiếng Anh trong kì thi Đại học khối A1 và D

Thầy Nguyễn Trường Duy là cử nhân khoa Anh, ĐH Sư Phạm TP.HCM, thầy đã đạt khá nhiều thành tích đáng nể khi còn là học sinh, sinh viên: huy chương bạc Olympic tiếng Anh, giải khuyến khích HSG quốc gia, 9/10 điểm thi ĐH khối D môn Anh… Thầy có thể chia sẻ một chút về kết quả đó được không?

- Theo tôi, thành công nào cũng cần quá trình rèn luyện nghiêm túc. Tôi thường lên thời gian biểu cụ thể theo ngày/tuần/tháng nhằm nâng cao khả năng Anh ngữ trong trường cũng như tiếng Anh tổng quát. Ví dụ: học 10 từ mới/ngày,  nghe và ghi chép 2 bản tin thời sự trên kênh CNN, mỗi tuần đọc 1 chương sách, tham gia câu lạc bộ tiếng Anh 3 lần/tháng,.... Đối với các chủ điểm ngữ pháp khó, tôi đọc thêm những quyển sách uy tín (Cambridge, Longman, Oxford), hỏi bạn bè, nhờ thầy cô giải đáp, tham gia vào các diễn đàn học tiếng Anh trên mạng. Hiểu rồi thì phải làm thật nhiều bài tập, đánh dấu những câu sai, ghi chép lại thành 1 bài kiểm tra để ôn lại mỗi cuối tuần.

- Kỳ thi ĐH-CĐ năm 2013 sắp đến gần. Thầy có lời khuyên nào dành cho các bạn sĩ tử trước khi bước vào “trận chiến” quan trọng này?

- Bài thi ĐH-CĐ có 80 câu trong 90 phút, gồm 3 phần chính: ngữ âm, ngữ pháp và đọc hiểu. Đối với từng phần, các bạn thí sinh cần có chiến lược ôn luyện phù hợp.

Ngữ âm: Đây là phần thi khá khó nên thí sinh cần chăm học từ vựng kết hợp luyện đọc theo phiên âm quốc tế để nắm vững trọng âm và ngữ điệu của từ (khuyến khích dùng từ điển Anh - Anh). Cần lưu ý, trong tiếng Anh có 1 số quy luật nhấn phổ biến liên quan đến suffix (phần gắn thêm ở cuối từ để tạo ra từ mới). Do đó, nên tham khảo những tài liệu dạy phát âm uy tín, có liên quan đến phần này và học thuộc các quy tắc nhằm tối ưu hóa kết quả làm bài.

Ngữ pháp: Đừng lơ là cho qua một số điểm ngữ pháp bạn chưa hiểu rõ, cần giải quyết tận gốc bằng cách xem lại lý thuyết và ví dụ trong sách hoặc hỏi thầy cô, bạn bè. Sau đó, bạn tự làm các bài tập, tìm ra lỗi sai để khắc phục.

Đọc hiểu: Để đạt điểm cao phần này, bạn có thể nghiên cứu một vài phương pháp giúp rút ngắn thời gian đọc như skimming, scanning, luyện tập cách tìm ý chính, quan điểm của tác giả, đoán từ vựng lạ dựa trên bối cảnh câu… những kỹ năng này có thể tìm thấy trong các sách luyện thi TOEFL hoặc IELTS. Ngoài ra, các bạn cũng nên dành thời gian tìm hiểu thêm sách báo, tạp chí tiếng Anh để vừa luyện đọc vừa bổ sung thêm kiến thức cùng  từ vựng về khoa học kỹ thuật, đời sống, văn hóa, xã hội…  Điều này giúp bạn không bỡ ngỡ và mất thời gian khi gặp phải những bài đọc có nội dung không quen thuộc.

Một số điều cần lưu ý trong phòng thi:

- Đọc kỹ đề bài: Ngay khi nhận đề thi, thí sinh nên dành 5 phút đọc lướt toàn bộ, kiểm tra xem đề thi có lỗi hay không, sau đó, dùng bút chì đánh dấu những điểm cần lưu ý.

- Phân bố thời gian phù hợp: Thông thường, thí sinh nên làm những câu hỏi đơn giản trước, sau đó đến những vấn đề cần suy luận, tính toán. Những câu khó hơn nên để cuối cùng.

- Không nên dừng lại quá lâu ở một câu hỏi và tuyệt đối không để trống bất cứ câu hỏi nào.

- Giáo viên là người truyền đạt phương pháp và hướng dẫn học tập, quan trọng nhất vẫn là cách học chủ động của học sinh.

Sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright ĐỀ THI ĐẠI HỌC MÔN TIẾNG ANH 2014 All Rights Reserved
Powered by Alat Rekaman
ProSense theme created by Dosh Dosh and The Wrong Advices.
Blogerized by Bonard Alfin Forum Distorsi.